7 xét nghiệm thai kỳ mẹ bầu cần nhớ trong quá trình mang thai

Thứ ba - 22/09/2020 02:44
Các xét nghiệm thai kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi nó giúp mẹ bầu biết được tình trạng sức khỏe mẹ, thai nhi cũng như sự phát triển của con yêu theo thời gian. Cùng điểm nhanh 7 xét nghiệm quan trọng khi mang thai mẹ bầu không nên bỏ qua!
Trong thai kì, mẹ bầu cần làm những xét nghiệm để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ để kịp thời chữa trị nếu phát hiện những bất thường. Lần khám thai đầu tiên có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ xác định tuần tuổi của thai nhi. Sau đó, theo thời gian, mẹ bầu tiếp tục được làm các xét nghiệm thai kỳ như đo độ mờ da gáy, sàng lọc trước sinh double test, triple test, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm trước sinh...

Sau đây là những xét nghiệm quan trọng mẹ bầu cần lưu ý:
Artboard 310x

1. Lần khám thai đầu tiên

Sau khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu lạ như trễ kinh bất thường, người mỏi mệt, bạn nên kiểm tra khả năng mang thai bằng que thử thai. Nếu que thử hiện hai vạch đồng nghĩa với việc bạn đang mang bầu, bạn nên đi khám thai để xác định được thai đang ở tuần tuổi thứ bao nhiêu.

Bác sĩ xác định tuổi thai dựa vào ngày đầu của chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên với trường hợp người có kinh nguyệt không đều, cần đến phương pháp siêu âm để xác định một cách chính xác. Việc siêu âm diễn ra ở thời điểm tuần 11 - 12 đạt hiệu quả chính xác cao.

Với lần khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 2D để xác định thai nhi nằm trong tử cung hay không. Lưu ý, trong trường hợp xác định bạn đã có thai nằm trong tử cung, mà chưa thấy tim thai bạn cũng không nên quá lo lắng vì có thể thai nhi còn bé, việc xác định tim thai chưa rõ ràng, từ 7 - 8 tuần tim thai sẽ rõ hơn. 

2. Siêu âm đo độ mờ da gáy

Tuần 11 - 13 của thai kì, mẹ bầu cần đi siêu âm đo độ mờ da gáy. Đây là lần khám thai quan trọng mà không mẹ bầu nào nên bỏ qua. Việc siêu âm này giúp bác sĩ xác định xem thai nhi có nguy cơ mắc bệnh Down hay các bệnh lí bất thường khác không. Nếu bỏ lỡ siêu âm trong tuần 11 - 13 thì thời gian sau đo độ mờ da gáy các chỉ số sẽ không còn chuẩn xác. Ở tuần này, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc quan trọng như: double test, sàng lọc bệnh lí tan máu bẩm sinh Thalassemia, tuyến giáp, đường máu.

Dựa vào kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cần thiết, hữu ích cho mẹ bầu như có cần phải thực hiện các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu hay không, chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, nên bổ sung thực phẩm chức năng nào. Bạn có thể được bác sĩ cho uống viên sắt hoặc vitamin tổng hợp trong lần khám này.  
Artboard 410x

3. Xét nghiệm Triple test kiểm tra rối loạn nhiễm sắc thể

Xét nghiệm Triple test diễn ra ở tuần thai thứ 15 - 20 đạt mức độ chuẩn xác, tốt nhất ở tuần 16 - 18. Việc xét nghiệm này dùng đến máu của mẹ bầu để phân tích, tìm ra nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi. Xét nghiệm tầm soát các yếu tố như AFP (protein do thai sản sinh), HCG (nội tiết do thai sản sinh), Estriol (nội tiết estrogen được nhau thai và thai nhi sản sinh). 

Mục đích của xét nghiệm này nhằm xác định thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn nhiễm sắc thể không, cần làm thêm những xét nghiệm khác không. Vì vậy đây là xét nghiệm cần thiết không nên bỏ qua.

4. Siêu âm 4D

Siêu âm 4D được thực hiện ở 3 tuần thai: 11 - 13, 20 - 22 và 30 - 32 của thai kì. Siêu âm 4D giúp phát hiện những bất thường về hình thái bên ngoài của thai như hiện tượng sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, bất thường về tim mạch, xương khớp... từ đó bác sĩ có sự can thiệp kịp thời. Giới tính của thai nhi cũng được nhận biết rõ ràng ở tuần thai này. Đây là một trong những lần siêu âm, xét nghiệm rất quan trọng.

5. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu tuy không bắt buộc thực hiện đối với mẹ bầu nhưng nó có ý nghĩa quan trọng, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Các xét nghiệm máu cơ bản mẹ bầu cần làm : nhóm máu (ABO, Rh), sinh hóa máu (gan, thận, mỡ máu), các bệnh truyền nhiễm (VGb, HIV, giang mai ), đông máu, sắt, calcl... 

6. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu có tầm quan trọng đặc biệt giúp bác sĩ xác định được tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, đồng thời kiểm tra xem thai phụ có mắc tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiểu không. Bằng phương pháp xét nghiệm đo lượng protein trong nước tiểu, Albumin và Nitrite mà bác sĩ phát hiện sớm những triệu chứng bất thường. 
Artboard 610x

7. Cấy dịch âm đạo tìm liên cầu khuẩn beta

Thông thường vào tuần 35 - 37 của thai kì, mẹ bầu sẽ được làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B. Đây là một loại vi khuẩn cư trú trong ruột, âm đạo hoặc dịch họng, chúng có thể gây các biến chứng khó lường cho phụ nữ mang thai và gây bệnh cho trẻ. Liên cầu khuẩn có thể gây nên các bệnh như nhiễm trùng huyết cho mẹ, viêm phổi cho bé.

Xét nghiệm cấy dịch âm đạo tìm liên cầu khuẩn beta được bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm bằng cách dùng tăm bông lăn vào âm đạo. Kết quả sẽ được trả sau 5 đến 7 ngày. Đây là một trong các xét nghiệm quan trọng mẹ bầu cần thực hiện trước khi sinh con. Tùy vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ chỉ định mẹ bầu làm các xét nghiệm cần thiết khác. Xét nghiệm, siêu âm trước khi sinh là việc làm không thể thiếu giúp mẹ lâm bồn an toàn, thành công. 

Trên đây là những lần xét nghiệm quan trọng khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý. Dựa vào quá trình xét nghiệm trên, mẹ bầu theo dõi được tình trạng sức khỏe thai nhi qua từng thời kì, kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi nếu có để bác sĩ kịp thời can thiệp.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các lần siêu âm, xét nghiệm quan trọng, mẹ bầu cần chủ động tìm hiểu về tiêm vắc xin, cung cấp cho cơ thể những vitamin, chất dinh dưỡng cần thiết để mẹ và bé khỏe mạnh suốt thai kì. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất của bé yêu. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây